Vấn đề phòng mối triệt để cho các công trình đã xây dựng thường là khó khăn và tốn kém. Vì vậy tuỳ theo mục đích sử dụng của công trình, tuỳ theo giá trị đặc biệt nào đó của công trình…có thể vận dụng hai giải pháp:
- Phòng mối cục bộ.- Phòng mối toàn diện.
a.Phòng mối cục bộ:
Phòng mối cục bộ với nội dung đề phòng mối cánh hàng năm bay thành đàn và xâm nhập vào các điểm như mạch phòng lún, chân khuôn cửa ở tầng dưới cùng, chân khuôn cửa các nhà vệ sinh; kê xếp hàng hoá, vật tư…
b.Phòng mối toàn diện:
Đối với những công trình quan trọng cần thiết phải áp dụng biện pháp phòng mối toàn diện.
Phòng mối toàn diện ngoài biện pháp xử lý mạch phòng lún, chân khuôn cửa giống như biện pháp phòng mối cục bộ, phải xử lý thêm hai khâu:
+ Tạo một hàng rào hoá chất xung quanh công trình và xử lý chân tường để phòng mối từ công trình lân cận di chuyển vào hoặc là từ các gốc cây cổ thụ gần nhà có bọng mối v.v…
Đối với những công trình biệt lập xung quanh sát tường phía ngoài của công trình, đào một hào: sâu 80cm, rộng 40cm, đất đào lên được trộn thuốc phòng mối sau đó lấp lại và nền kĩ.
+ Chân tường: Chân tường xử lý theo phương pháp mao dẫn. Tường có khả năng tự hút nước, lợi dụng khả năng này, có thể đưa một lượng thuốc cần thiết vào tường mà không cần khoan.
2. Phòng trừ mối bảo vệ các công trình văn hoá lịch sử:
Các công trình di tích văn hoá lịch sử như đình chùa lăng tẩm, các tượng đài, cổ vật bằng gỗ…, các công trình này có những đặc điểm sau:
- Thời gian kiến trúc đã trải qua hàng trăm năm.
- Xung quanh vị trí xây dựng thường có hồ ao, cây cổ thụ.
- Công trình thường kín, tĩnh mịch, ít thông gió.
Từ những đặc điểm trên, các đình chùa lăng tẩm thường xuất hiện nhiều chủng loại mối. Gỗ trong các đình chùa năng tẩm thường là các loại gỗ tốt như lim, đinh, táu…song vẫn bị hư hỏng nặng.
Hiện tượng rỗng ruột được gọi là cột gỗ bị “tiêu tâm”. Quá trình cột gỗ lim bị tiêu tâm diễn ra như thế nào, từ trước đến nay chưa được nghiên cứu, lý giải và đề ra biện pháp khắc phục. Quan sát trong một ngôi đình, các thanh gỗ quá giang, xà… nếu không dính gỗ giác thì vẫn còn nguyên vẹn, còn một số cây cột lại bị rỗng như một chiếc ống đến mức không còn khả năng chịu lực.
Cột gỗ lim có một tâm, đường kính chỉ khoảng 8 – 10mm. Phần gỗ này mềm, xốp, mối có thể đục được dễ dàng. Cột lim được đặt trên đá tảng và gỗ không hoàn toàn thật khít, vẫn còn khe hở mà mối chui lọt được. Một khả năng nữa là chân cột được đặt trên mặt đá tảng, sau nhiều năm, mặt gỗ tiếp xúc với đá tảng. Mặt đá qua sự biến đổi của thời tiết thường đổ “mồ hôi” gỗ ẩm bị mối phân giải một phần.
Mối đắp đất vượt qua đá tảng thoạt đầu mối đục phần tâm gỗ đã bị nấm phân giải một phần. Khi mối đục hết phần tâm gỗ thì dừng lại vì gặp phần gỗ cứng chúng tìm nguồn thức ăn khác.
Đặc điểm của các loài mối gỗ ẩm và mối đất là khi chúng đi tới đâu là đắp đường mui đến đó – đồng thời mang theo độ ẩm cao. Trong điều kiện môi trường kín, độ ẩm giữ được lâu lại tạo điều kiện cho nấm phân giải một thành phần của gỗ như lích-nhin làm cho gỗ mềm, mối gặm phần xenlulô còn lại.
Sự “ hỗ trợ lẫn nhau” giữa mối và nấm lặp đi lặp lại hàng trăm năm cột gỗ lim đã trở thành một ống rỗng.
Từ các đặc điểm trên, quy trình chống mối cho các công trình văn hoá lịch sử gồm:
- Phát hiện tất cả các loại mối đang hoạt động bao gồm:
+ Mối gỗ khô
+ Mối nhà
+ Các loại mối đất khác.
Sử dụng các giải pháp kỹ thuật diệt các loại Mối như đã trình bày ở phần diệt Mối cho các công trình đã xây dựng.. Vận dụng thêm các biện pháp phòng toàn diện:
+ Tạo hàng rào hóa chất xung quanh công trình.
+ Đối với các chân cột, các cột đã có hiện tượng rỗng, xử lý thuốc có tác dụng tổng hợp vừa chống nấm vào ruột cột.
+ Đối với các tượng đài bằng gỗ, nếu có hiện tượng mối, mọt, dùng ống tiêm, tiêm các loại thuốc phòng trừ mối vào những vị trí cần thiết.
+ Đối với phần nền công trình, nếu có các tổ mối đất làm lún, thì bơm dung dịch thuốc phòng trừ mối vào các vị trí tổ mối, san lấp và lát lại
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét